Hướng tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh)
Dự định xây dựng tuyến đường này đã được Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Campuchia bàn thảo hôm 28-7 tại Hà Nội. Hai bên cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về kế hoạch đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM- Phnom Penh.
Trang web của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam dẫn lời ông Trần Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, tuyến đường bộ cao tốc sẽ bắt đầu từ đường Vành đai 3 đoạn tiếp giáp giữa huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi (TPHCM) tới cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, rồi nối đến thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Theo quy hoạch hiện có, dự kiến sau năm 2020 mới tiến hành nghiên cứu và xây dựng đường cao tốc này. Tuy nhiên, Bộ GTVT Việt Nam cho biết, nếu nhu cầu phát triển kinh tế đòi hỏi phải xây dựng tuyến đường này nhanh hơn, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Campuchia để bắt đầu nghiên cứu dự án ngay từ bây giờ.
Bộ GTVT Việt Nam cho rằng, để thực hiện kế hoạch chung về việc nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc này, hai bộ cần trình Chính phủ hai nước phê duyệt đề án ưu tiên đầu tư cho dự án này.
Hiện tại, từ TPHCM đến cửa khẩu Mộc Bài chỉ có quốc lộ 22 với chiều dài 58 km, quy mô 4 làn xe. Vì lưu lượng giao thông tương đối cao, nên tuyến đường này thường xuyên bị ùn, tắc vào giờ cao điểm.
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Chính phủ phê duyệt năm 2013 đã xác định đường cao tốc TPHCM- Mộc Bài là một trong sáu trục cao tốc có năng lực thông xe lớn được đề xuất xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Nam.
Hồi tháng 5-2014, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam (Tedi South) đã đề xuất đến năm 2020 cần phải xây dựng tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài với quy mô tối thiểu 4 làn xe để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá được dự báo sẽ tăng mạnh.
Tedi South dự báo lưu lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài đến năm 2040 đạt mức cao nhất 62.000 PCU/ngày đêm (PCU là phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn), trong khi lượng hàng hóa lưu thông giữa khu vực TPHCM và Tây Ninh cũng đang tăng nhanh.
Khi được xây dựng, đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài, cùng với quốc lộ 22, đường Hồ Chí Minh, đường vành đai 3 và 4 (TPHCM) sẽ tạo thành các trục giao thông liên hoàn giữa các tỉnh Đông Nam Bộ.